Đỏ mắt tìm sân chơi


Thiếu những sân chơi lành mạnh để giới trẻ được thử thách, được thể hiện cá tính thì họ sẽ sa đà vào quán nhậu, tiệm net, thậm chí tụ tập đua xe, lạng lách

Bạo lực trong giới trẻ đang là vấn đề thời sự. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân thiếu sân chơi lành mạnh cho giới trẻ khiến họ mải mê lao vào những trò giải trí không lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu tới nhận thức và hành vi.

Tại các quận-huyện vùng ven TPHCM, tìm một sân chơi đúng nghĩa cho thanh thiếu niên thật sự không dễ. Có những sân chơi đúng nghĩa sẽ góp phần hạn chế tình trạng thanh thiếu niên tụ tập lạng lách, đua xe trên đường.

Tiệm net, quán nhậu lấn át.

Chiều 11-8, dạo quanh địa bàn phường Bình Trưng Đông, quận 2- TPHCM, trong các tiệm net, quán billiards, cà phê, quán nhậu… chúng tôi nhận thấy điểm nào cũng rất đông thanh thiếu niên, trong đó có nhiều em tuổi từ 9 đến 13. Nhẩm tính trên đường Lê Văn Thịnh (nối 3 phường Cát Lái, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây), đoạn đường dài hơn 2 km đã có trên dưới 20 quán cà phê, 6 quán nhậu và  3 tiệm net, trong khi không hề có một công viên hay một khu vui chơi nào dành cho giới trẻ.

Tương tự là đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2), các quán nhậu, quán cà phê mọc lên như nấm. Phía trong chung cư Mười Mẫu (phường Bình Trưng Đông) có một công viên nhỏ nhưng đã bị người dân xung quanh lấn chiếm làm nơi buôn bán, mở quán nhậu. Vừa bước vào tiệm net trên đường Lê Văn Thịnh, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh nhiều thiếu niên đang phì phèo thuốc lá và luôn miệng văng tục.

Tiếng “cạch cạch” từ bàn phím phát ra liên tục. Trong phút im lặng, bỗng có tiếng la to: “Bắn xịt óc nó đi, bắn đi!”. Chúng tôi quay lại thì biết em này đang chơi một trò đối kháng của game online. Ở cuối góc phòng, một số em mở trang web có hình ảnh khiêu dâm, vừa xem vừa bình luận rôm rả. Chị Th., có nhà trên đường Lê Văn Thịnh, lắc đầu: “Chơi xong nhiều em nổi máu yêng hùng, ra đường choảng nhau. Chúng tôi can ngăn riết cũng ngán, không biết gia đình các em có biết không!”. Tương tự, tại phường Phước Bình, phường Phú Hữu, quận 9, các quán cà phê, tiệm net lúc nào cũng thu hút rất đông bạn trẻ.   Khi được hỏi: Sao em không đi sinh hoạt hè ở phường, Minh, học sinh lớp 11 Trường Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), trả lời tỉnh bơ: “Chán lắm! Suốt ngày chơi đi chơi lại nhiêu đó, có gì mới đâu!”.

Tại Làng Đại học quận Thủ Đức, nơi đang có hàng ngàn sinh viên theo học và tạm trú tại đây, nhưng môi trường cũng không mấy lành mạnh. Xung quanh Làng Đại học có hàng chục quán nhậu, quán cà phê bao vây. Chỉ một đoạn đường chưa đầy 500 m từ cổng Trường ĐH An ninh đến cổng ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM, chúng tôi đếm được gần 10 quán nhậu, lúc nào cũng đông sinh viên, thanh niên. Các tiệm net trong khu vực này lúc nào cũng hoạt động trong tình trạng quá tải.

Hỏi về nguyên nhân các bạn sinh viên không đi tham gia các hoạt động đoàn, hội hay các môn thể thao, Hoàng Tâm, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm thừa nhận: “Tụi này hay chơi đá bóng nhưng bữa nào góp đủ tiền mới mướn được sân chơi. Hôm nào thiếu người đành rủ nhau vào tiệm net đá bóng online hoặc vô quán… lẩu nhậu”. Thiếu sân chơi, nhiều bạn trẻ tụ tập ở quán nhậu, tiệm bi-da hoặc tiệm internet.

Sân chơi lành mạnh bị… bỏ quên!

Một vài sân chơi thu hút được thanh thiếu niên như sân bóng, hồ bơi, khiêu vũ nhưng không phải ai muốn tham gia cũng được. Nhiều sân bóng ở khu Làng Đại học ngày càng bị thu hẹp dần vì những công trình đô thị đang mọc lên. Nguyễn Văn Thái, sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, tâm sự: “Muốn tìm một sân chơi đúng nghĩa, tụi này phải dậy thật sớm để vào các trường ĐH giữ sân hoặc đi mướn sân ở Trường ĐH Thể dục Thể thao. Giá mướn một sân loại nhỏ là 400.000 đồng, nếu có trọng tài và nước uống phải trả 700.000 đồng. Còn sân lớn phải trả từ 500.000-800.000 đồng nhưng phải đặt trước ít nhất 5 ngày. Đó chỉ là số ít những sinh viên có tiền, còn phần lớn thì cứ quanh quẩn quán nhậu, tiệm net hoặc tụ tập xem… đua xe!”.

Lẽ ra, các trung tâm văn hóa ở các quận-huyện là nơi thu hút rất đông bạn trẻ đến sinh hoạt, nhưng nhiều nơi đã mất đi chức năng của nó. Không chỉ thiếu sân chơi, một vấn đề quan trọng là các lớp rèn luyện kỹ năng sống ở nhiều trung tâm cũng không tổ chức được.

Nằm khuất sau những khu biệt thự cao cấp là Trung tâm Văn hóa quận 2 với khuôn viên nhỏ hẹp, chỉ có một sân khấu với ngổn ngang vật dụng trang trí và một số phòng làm việc. Một nhân viên ở đây cho biết: “Trung tâm chỉ là nơi sinh hoạt của một số đội nhóm, thỉnh thoảng là nơi tổ chức các hội diễn văn nghệ, còn các lớp rèn luyện kỹ năng sống thì hiếm hoi”.

Tại huyện Hóc Môn, Trung tâm Văn hóa huyện thường đóng cửa im ỉm, thỉnh thoảng tại đây mới tổ chức hội diễn văn nghệ, chiếu phim, cho thuê làm hội chợ…   Thực tế, ngoài phòng tập thể hình, tại đây không có hoạt động, trò chơi gì thu hút giới trẻ, chỉ có duy nhất sân tennis dành cho những người có tiền.   Một số lớp kỹ năng như khiêu vũ, nấu ăn… cũng được trung tâm tổ chức  nhưng do không thu hút được giới trẻ nên đành ngưng.

Càng bất ngờ hơn, cả huyện Hóc Môn chưa có lấy một nhà thiếu nhi.   Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhà cao tầng, chung cư cao cấp, trung tâm mua sắm mọc lên ồ ạt, trong khi nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa, công viên… đang bị quên lãng quả là đáng báo động bởi giới trẻ không tìm ra những sân chơi đúng nghĩa để được thử thách, được thể hiện mình.

Không nhậu nhẹt, bi-da thì biết đi đâu?

Chiều 11-8, trong một tiệm bi-da trên đường Lê Văn Thịnh, quận 2-TPHCM, không khí vô cùng náo nhiệt bởi có hàng chục thanh thiếu niên đang… giải trí. Võ Minh Tuấn (20 tuổi – dân địa phương) cho biết: “Ngoài giờ đi làm, mấy đứa em chủ yếu vào đây chơi hoặc đi nhậu nhẹt chứ không biết đi đâu”.

Một bạn trẻ đứng gần đó chen vào: “Không đi bi-da, nhậu nhẹt thì biết làm gì. Ở trung tâm TP còn có ca nhạc, triển lãm, học võ, bơi lội… mà xa quá, vô đó chơi cũng mất nửa ngày. Tụi em làm thợ hồ ít tiền biết đi đâu. Để giết thời gian chỉ biết ghé mấy quán nhậu!”.

Nếu bạn cần liên hệ – tư vấn ngay: Đừng ngại, được phục vụ bạn là niềm vinh hạnh của chúng tôi.

0903.778.002
0903.002.938

Với kinh nghiệm từ 2008 – Đảm bảo bạn sẽ hài lòng